Các kỹ năng đầu bếp cần nhớ

Không ai có thể dễ dàng trở thành một Đầu bếp giỏi mà không trải qua quá trình học tập, nỗ lực và rèn luyện nghiêm túc. Cùng tìm hiểu những yếu tố vô cùng quan trọng để làm nên sự chuyên nghiệp của người Đầu bếp

Ghi nhớ bằng cách ghi chép

Chúng ta không phải là những cỗ máy, do đó không thể nào ghi nhớ hết tất cả những gì mình thấy, nghe và đọc và cảm nhận được. Do đó, mỗi đầu bếp hãy sắm cho mình một cuốn sổ ghi chép riêng.

Bạn có thể chia sổ thành nhiều phần: các công thức nấu ăn hay, những bí kíp và mẹo nấu ăn ngon, một xu hướng ẩm thực thú vị; những địa chỉ mua nguyên vật liệu với giá tốt và cả thời gian biểu làm việc trong ngày… Đây sẽ là “trợ lý” đắc lực của đầu bếp, giúp họ làm việc có kế hoạch và chuyên nghiệp hơn.

Luyện tập khả năng nêm nếm

Nhận biết và điều chỉnh gia vị là một kỹ năng vô cùng quan trọng và đặc trưng của người đầu bếp. Có những đầu bếp bẩm sinh đã rất nhạy cảm với các mùi vị, do đó khả năng nhận biết và nêm nếm rất tốt. Nếu không, điều này hoàn toàn có thể tập luyện được.

Theo khoa học giác quan, mỗi ngày, đầu bếp rèn luyện nâng cao độ nhạy của các giác quan bằng cách tập nếm 5 – 10 hương và vị một ngày, số lượng này sẽ tăng dần lên theo thời gian. Nhận biết chính xác hương vị của nguyên liệu sẽ giúp bạn có cách nêm nếm, điều chỉnh và kết hợp gia vị trong món ăn một cách hợp lý, từ đó món ăn sẽ vừa miệng và ngon hơn.

Học cách kiểm soát nhiệt độ

Áp dụng kỹ thuật nấu ăn hợp lý cùng với những yếu tố khác về lựa chọn nguyên liệu, nêm nếm, trang trí đều là những yếu tố quan trọng để tạo nên một món ăn ngon.

Khi áp dụng các kỹ thuật chế biến, người đầu bếp phải nắm vững cách kiểm soát nhiệt độ. Chẳng hạn, cùng là làm chín thức ăn bằng dầu nhưng áp chảo sử dụng nhiệt độ thấp hơn chiên, luộc rau củ sẽ khác với luộc thịt, hoặc cũng sử dụng lò nướng cho một món bánh nhưng số lượng khác nhau hoặc nhiệt độ phòng khác nhau cũng điều chỉnh nhiệt độ lò khác nhau…

Vì thế, đầu bếp phải nắm vững những nguyên tắc điều chỉnh và cân bằng giữa nhiệt độ phòng, nhiệt độ nấu và nhiệt độ món ăn lúc hoàn thành sao cho phù hợp để phục vụ thực khách món ăn ngon nhất.

Học cách lắng nghe

Có một câu danh ngôn nổi tiếng: “Chúng ta phải im lặng trước khi lắng nghe – Chúng ta phải lắng nghe trước khi học hỏi”. Trước hết, dù bạn là ai, đang làm vị trí nào trong khu vực bếp cũng cần phải lắng nghe lẫn nhau.

Nghe phân công để làm đúng công việc, nghe góp ý để thay đổi tích cực, nhận lời khen làm động lực vươn lên, nghe cả những tâm sự của đồng nghiệp để thấu hiểu và cùng nhau vượt qua những khó khăn.

Không ngừng nâng cao kiến thức ẩm thực

Ẩm thực là một thế giới phong phú và luôn có sự biến đổi. Làm nghề bếp không có nghĩa là chỉ bó hẹp mình trong phạm vi của gian bếp, ngược lại phải hướng ra thế giới rộng lớn bên ngoài từ những khám phá thú vị về ẩm thực. Từ những kiến thức về ẩm thực truyền thống đến hiện đại, từ địa phương nhỏ đến nhiều đất nước rộng lớn hơn. Áp dụng những kiến thức này, đầu bếp sẽ biết cách sáng tạo, kết hợp, biến hóa món ăn cho đa dạng hơn, đồng thời cũng am hiểu về khẩu vị của từng đối tượng thực khách hơn.

Có nhiều cách để tìm hiểu về nền ẩm thực trong nước và thế giới như: thông qua sách vở; thông tin từ truyền thông, internet; những buổi tọa đàm, hội thảo dành cho đầu bếp hoặc các cuộc thi nấu ăn… Đây đều là những nguồn tài liệu và trải nghiệm quý báu giúp đầu bếp tích lũy thêm kiến thức chuyên môn cho mình.

Không từ chối bất cứ công việc nào

Khi đã trở thành một đầu bếp và cùng nhau làm việc trong một gian bếp, công việc nào cũng là “chuyện không của riêng ai”. Một bếp chính hoặc thậm chí bếp trưởng xắn tay vào chuẩn bị nguyên liệu, cùng các phụ bếp nhặt rau, lau chùi và chuẩn bị các trang thiết bị không còn là hình ảnh xa lạ. Bởi lộ trình nghề bếp là một chặng đường dài và ai cũng phải có những khởi đầu nhỏ trước khi tiến đến những vị trí cao hơn.

Cùng hỗ trợ, giúp đỡ, không ngần ngại, nề hà bất cứ công việc nào giúp người đầu bếp học được cách quan sát, lắng nghe, biết chia sẻ và cảm thấy yêu thích công việc, quý mến những đồng nghiệp của mình hơn.

Khu vực làm việc sạch sẽ

Nếu có dịp quan sát khu vực bếp của các nhà hàng, khách sạn hoặc theo dõi các chương trình hoặc cuộc thi nấu ăn trên truyền hình, chắc hẳn bạn đã nghe đến một quy tắc quan trọng: Luôn giữ cho căn bếp sạch sẽ.

Trước khi nấu nướng, đầu bếp luôn sắp xếp các nguyên liệu, công – dụng cụ một cách gọn gàng và dễ quan sát. Đối với những gian bếp lớn, đầu bếp còn đánh dấu hoặc dán nhãn để thuận tiện trong việc sử dụng khi cần thiết.Trong suốt quá trình thực hiện món ăn, những nguyên liệu dư thừa luôn được dọn dẹp thật gọn gàng. Căn bếp bừa bộn sẽ gây ra cảm giác bức bối, khó chịu, làm mất thời gian và vì thế mà khiến người đầu bếp căng thẳng hơn.

Giữ dao luôn sắc bén

Dao cũng tựa như cánh tay phải đắc lực của người đầu bếp. Trong khu vực sơ chế thức ăn của các nhà hàng, khách sạn, bộ dao luôn được chuẩn bị và bảo quản rất kĩ càng. Để bảo quản dao tốt nhất, mỗi người đầu bếp luôn có những bí quyết riêng của mình. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo ít nhất 5 nguyên tắc sau:

+ Mỗi loại nguyên liệu sử dụng những loại dao khác nhau

+ Cẩn trọng khi thực hiện mài dao

+ Chọn thớt phù hợp với mỗi loại dao mà bạn có ý định sử dụng

+ Không rửa dao bằng máy rửa chén

+ Sau khi sử dụng, bảo quản dao bằng cách cắm vào giá gỗ, thanh nam châm hoặc bọc dao.

Bảo quản dao sắc bén không những giúp ích cho việc chế biến, nấu nướng của đầu bếp mà còn thể hiện đức tính cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ và luôn sẵn sàng trong công việc